Khu công nghệ cao TP.HCM khẳng định vị thế trong lãnh vực Công nghệ cao
Năm 2022, Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) chính thức bước sang tuổi 20. Nơi đây được đánh giá là Khu công nghệ cao thành công bậc nhất trong các Khu công nghệ cao quốc gia.
Trải qua 20 năm xây dựng, hình thành và phát triển, SHTP đã triển khai đồng bộ 7 phân khu chức năng theo quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao (CNC).
Hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện tại Khu Công nghệ cao TP.HCM
“Bệ phóng” cho phát triển công nghệ
Số liệu thông kê của SHTP, cho thấy, đến cuối tháng 6/2022 đã thu hút 70 dự án sản xuất CNC (giấy phép còn hiệu lực), trong đó, 29 dự án FDI, 41 dự án trong nước. Thu hút thành công các dự án từ những tập đoàn, công ty có công nghệ nguồn, uy tín trên thế giới như Intel, Nidec, Sam Sung… Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của dự án sản xuất CNC là 9,31 tỉ USD.
Ngoài ra, nhằm gia tăng tỉ lệ nội địa hóa trong cơ cấu sản phẩm CNC của các doanh nghiệp FDI, SHTP đã thu hút 23 dự án công nghiệp hỗ trợ sản xuất CNC với tổng vốn đầu tư là 512,72 triệu USD, trong đó có 14 dự án trong nước, vốn đầu tư khoảng 163,35 triệu USD.
Bên cạnh việc thu hút đầu tư vào các sản phẩm CNC, SHTP còn chú trọng nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển các mô hình, dịch vụ CNC như đầu tư cho hoạt động R&D; Vườn ươm doanh nghiệp; liên kết Trường đại học, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong phát triển CNC.
Không dừng lại ở đó, SHTP đã định hướng hình thành và phát triển một lực lượng năng lực nội sinh về CNC, có thể đảm nhận các công việc từ chuyển giao, nghiên cứu, triển khai R&D đến sản xuất sản phẩm CNC (Made in Việt Nam); làm cơ sở lan tỏa CNC ra bên ngoài và hạt nhân xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM.
Để đạt mục tiêu này, SHTP đã hình thành lớp doanh nhân trong nước tiến cận CNC; hình thành nhóm chuyên gia tham gia hoạt động nghiên cứu triển khai, ươm tạo CNC.Trong giai đoạn 2016-2022, nơi đây cũng đã thu hút 05 chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản, Bỉ, Pháp, Úc đến làm việc tại Trung tâm R&D và hình thành đội ngũ lao động có kỹ năng, chuyên nghiệp về hoạt động sản xuất, nghiên cứu sáng tạo CNC.
Định hướng phát triển các sản phẩm công nghệ mới
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP, cho biết “Với tầm nhìn đến 2040, đây sẽ là Trung tâm kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo của cả nước, thực sự trở thành động lực chính cho phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM và Vùng kinh tế trong điểm phía Nam nên chúng tôi đã định hướng nhiều mục tiêu phát triển.
Theo đó, SHTP sẽ hoàn thiện, nâng cấp hoạt động CNC, trong đó tập trung lan tỏa CNC… Các nhiệm vụ trọng tâm sẽ được triển khai bao gồm, thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện cam kết R&D; thu hút đầu tư các dự án R&D, đào tạo, ươm tạo vào Khu không gian khoa học (93 ha); phát triển gắn kết hoạt động ba nhà (Nhà nước – Doanh nghiệp – Viện trường) gắn với hệ sinh thái đổi mới…
Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ thuộc các lĩnh vực công nghệ năng lượng và môi trường; chuyển giao công nghệ, ứng dụng và làm chủ công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường”.
SHTP sau 20 năm hình thành và phát triển đã chứng tỏ được sự đúng đắn của TP.HCM trong cách tiếp cận và chọn phương thức tiến hành triển khai dự án, đó là tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án CNC từ các tập đoàn, công ty sở hữu công nghệ nguồn, có uy tín trên thế giới đến đây triển khai hoạt động CNC.
Qua đó, từng bước tiến hành các hoạt động CNC theo chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy và UBND TPHCM. Từ một vùng đất nông nghiệp đã hình thành một Trung tâm CNC mang tầm quốc gia – Nơi tập trung liên kết hoạt động nghiên cứu, phát triển, ươm tạo CNC.
SHTP đã góp phần quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố qua các nhiệm kỳ – Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng công nghiệp CNC.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ