Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh: điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư công nghệ cao
Sau 20 năm hoạt động, Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) được đánh giá có sự phát triển nổi bậc hơn so các khu công nghệ cao khác trên cả nước, trở thành một trong những điểm đến lý tưởng nhất Việt Nam cho nhà đầu tư công nghệ cao, tổng số vốn thu hút đầu tư hơn 12 tỷ USD, trong đó có nhiều Tập đoàn công nghệ lớn đa quốc gia.

Hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện tại Khu Công nghệ cao TP.HCM

Thành lập tháng 10/2002, với nhiều lợi thế nổi bật về vị trí địa lý thuận lợi, sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp chính quyền các cấp, hạ tầng kỹ thuật tốt kèm theo dịch vụ đa dạng…, SHTP đã dần khẳng định được vị thế, thu hút đầu tư của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới, có hàm lượng khoa học công nghệ cao và có sức lan tỏa toàn cầu như như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ); Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản); Samsung (Hàn Quốc);… cũng như các trung tâm, viện nghiên cứu của tập đoàn công nghệ lớn trong nước (FPT, Nanogen, Hutech…).
Đây là yếu tố quan trọng tạo ra các hệ sinh thái ngành mạnh trong các lĩnh vực điện tử- công nghệ thông tin, công nghệ sinh học- dược phẩm, cơ khí chính xác- tự động hóa, công nghệ vật liệu mới…
Sau 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, SHTP được đánh giá là Khu công nghệ cao có hoạt động mạnh nhất trong các Khu CNC quốc gia với 160 dự án còn hiệu lực, trong đó có 51 dự án đầu tư nước ngoài và 109 dự án trong nước. Đại diện Ban Quản lý Khu thông tin, đến nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu đã đạt 10,106 tỷ USD và tổng vốn đầu tư trong nước khoảng 1,929 tỷ USD. Các doanh nghiệp không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn liên tục tăng vốn, đầu tư mở rộng sản xuất tại SHTP.

Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp Khu Công nghệ cao Tp. HCM

Trong giai đoạn từ năm 2015-2019 là thời điểm SHTP thu hút được nhiều dự án đầu tư nhất. Năm 2021, mặc dù khu chỉ thu hút được 1 dự án FDI nhưng lại có số vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay (hơn 3,55 tỷ USD). Từ đầu năm 2022 đến nay có 1 dự án FDI vào khu với số vốn đầu tư gần 800 triệu USD.
Hiện Khu đã lấp đầy hơn 85% đất thương mại-dịch vụ. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng dần hằng năm. Năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu của Thành phố). Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 23 tỷ USD trong năm nay. Lũy kế, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao tại khu đã đạt hơn 112 tỷ USD.
Tính đến ngày 30/6/2022, đã có 51.910 người lao động tham gia trong các dự án của Khu, trong đó có 51.340 lao động trong nước.
Đã có nhiều sản phẩm công nghệ cao trong các lĩnh vực được sản xuất tại Khu, nổi bật như trong lĩnh vực công nghệ sinh học; Robot tự động; lĩnh vực vật liệu mới- công nghệ Nano; sản phẩm cơ khí chính xác- in 3D;…, đại diện Ban quản lý Khu cho hay

Trao Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh tăng vốn mở rộng quy mô cho các dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh

SHTP là một trong 3 Khu công nghệ cao Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ thành lập. Với qui mô 913 hecta nằm ở phía Đông Bắc TP.Hồ Chí Minh có tầm nhìn đến năm 2030 trở thành một đô thị khoa học công nghệ, một Trung tâm đổi mới sáng tạo, làm nền tảng cơ sở cho phát triển kinh tế tri thức của thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam- một địa chỉ hấp dẫn để thu hút nguồn vốn, công nghệ và nhân lực cho hoạt động công nghệ cao.
Đại diện Ban quản lý khu nhấn mạnh, SHTP không ngừng phấn đấu tạo ra một môi trường lý tưởng để phục vụ doanh nghiệp công nghệ cao trong và ngoài nước đến đầu tư và sáng tạo công nghệ mới. Sắp tới với yêu cầu phát triển mới, SHTP đưa ra chiến lược thu hút đầu tư phải bảo đảm tính chủ động, có định hướng, chọn lọc, hướng đến thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến gắn với khai thác các thế mạnh của các hệ sinh thái ngành đã hình thành tại Khu.
Khu sẽ tập trung thu hút các dự án như: trong lĩnh vực vi điện tử – công nghệ thông tin (trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, xử lý dữ liệu lớn), cơ khí chính xác – tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng mới và vật liệu mới – công nghệ nano thuộc Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 về Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 Danh mục công nghê ưu tiên nghiên cứu phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đặc biệt, chuỗi cung ứng nội địa được xác định là nền tảng để thu hút đầu tư công nghệ cao. Vì vậy, Khu đã điều chỉnh quy hoạch và xây dựng cơ chế nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng nội địa của các dự án trong nước và FDI.
Theo đại diện Ban quản ký Khu, nhờ tác động lan tỏa khi thu hút đầu tư thành công dự án của Samsung, kéo theo việc tham gia chuỗi cung ứng cho Tập đoàn của doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ hoàn chỉnh. Từ đó tạo môi trường sản xuất công nghệ cao lý tưởng cho doanh nghiệp FDI và tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao mới trong thời gian tới vào Khu.